Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa lài
|
Cây hoa lài, tên khoa học Jasminum sambac Ait., là loại cây lâu năm, dạng cây bụi nhỏ, hoa màu trắng và có hương thơm. Ngoài tác dụng làm thuốc, hoa lài còn được sử dụng làm hương liệu trong các nhà máy chế biến trà xuất khẩu, tinh dầu chiết xuất từ hoa lài được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất mỹ phẩm. Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa cây lài vào mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Cây hoa lài thích nghi khá tốt đối với điều kiện khí hậu, đất đai ở nước ta, nhưng sâu bệnh đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể, làm giảm hiệu quả kinh tế của việc trồng lài. Đối với cây hoa lài, việc phòng trừ sâu bệnh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất và sản lượng hoa lài. Theo báo cáo định kỳ về tình hình sinh vật hại của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thành phố, cây hoa lài thường bị một số sâu bệnh hại tấn công như: sâu đục bông, sâu ăn lá, bệnh tím bông, bệnh đốm lá, bệnh khô cành, bệnh chết bụi….
Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều sẽ để lại dư lượng thuốc trong hoa lài, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, xác định các loại sâu bệnh hại và xây dựng quy trình phòng trừ bệnh một cách hợp lý có thể giảm chi phí và lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng như hiện nay.
Ngoài ra, trong kỹ thuật trồng lài thì bệnh hại là một trong những vấn đề chính ảnh hưởng tới sự phát triển diện tích cũng như thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, việc trồng cây hoa lài trong suốt thời gian qua được xem là trồng mang tính chất nông nghiệp nhỏ, chưa được qui hoạch một cách có hệ thống. Cũng theo thống kê của Chi cục BVTV, năm 2002, diện tích trồng lài của thành phố là trên 600 ha, nhưng đến tháng 07/2007 chỉ còn 435 ha.
Do đó, để góp phần vào việc phòng trừ bệnh hại trên cây hoa lài một cách có hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu về kỹ thuật trồng cũng như các kỹ thuật chăm sóc cây hoa lài để làm cơ sở xây dựng biện pháp phòng trừ tổng hợp.
1. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh
* Nhiệt độ: cây lài có nguồn gốc ở Nam Á, nhiệt độ thích hợp cho cây lài sinh trưởng là 20 – 330C, nhiệt độ thấp 8 -100C cây sinh trưởng kém.
* Ánh sáng: Lài là cây ưa sáng, do đó cần trồng nơi thoáng, rộng, không bị che bóng, cây mới cho năng suất cao và hoa mới thơm.
* Nước: Lài cần nước để sinh trưởng và ra hoa liên tục nhưng không chịu úng, do đó cần trồng nơi cao ráo, tưới tiêu thuận lợi.
* Đất đai: Lài sống được trên nhiều loại đất khác nhau từ đất đồng bằng trung tính (pH từ 6,5 - 7) đến đất đồi núi hơi chua (pH từ 3,5 - 4); từ đất thịt nặng đến đất thịt pha cát, đất đồi núi nghèo dinh dưỡng, đất bạc màu nếu được chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ vẫn cho năng suất hoa cao.
2. Thành lập vườn
* Thiết kế vườn: các vùng trồng lài ở thành phố Hồ Chí Minh thường là loại đất thấp, chân đất yếu, lại chịu ảnh hưởng của thủy triều qua hệ thống kênh rạch của sông Sài Gòn. Hàng năm vào mùa lũ, nhất là khi hai hồ Trị An và Dầu Tiếng xả lũ cộng với triều cường thì dễ bị ngập úng. Vì vậy bờ bao nên làm cao từ 1 – 1,2 m, mặt bờ bao rộng 1 m. Giữa bờ bao và kênh rạch bên ngoài có cống thoát và dẫn nước. Miệng cống nên làm nghiêng 45o và có nắp đóng mở tự động theo áp lực của mực nước để điều tiết mực nước trong mương. Bờ bao cần được gia cố hàng năm để tránh sạt lở.
* Chuẩn bị đất trồng: Tùy theo địa thế ở mỗi vùng mà làm đất khác nhau. Việc đào mương lên líp nên áp dụng ở những vùng đất ruộng địa hình thấp để nâng cao tầng canh tác: các mương chính quanh líp sát bờ nên làm rộng 0,8 - 1,0m và sâu 1,0 – 1,2 m; mương phụ rộng 0,6 – 0,8 m và sâu 0,8 m; mặt líp rộng 5 - 6 m.
* Khoảng cách trồng: Trồng theo hàng ngang trên liếp, mỗi hàng cách nhau 0,8 – 0,9 m. Trên mỗi hàng, cây cách cây 0, 6 – 0,8m. Mặc dù lài được cắt tỉa hàng năm làm tán cây nhỏ lại, nhưng nếu trồng dày hơn sẽ làm cho việc đi lại chăm sóc và thu hoạch bông gặp khó khăn.
* Giống trồng: Hoa Lài có nhiều giống: lài nút áo, lài trâu (hoặc lài dây), lài sẻ...
- Lài nút áo: hoa rất nhỏ, chỉ bằng nút áo.
- Lài trâu: 1 chùm chỉ có 1 hoa riêng lẻ, hoa to.
- Lài sẻ: 1 chùm có từ 5 – 12 hoa, hoa nhỏ hơn hoa của giống lài trâu. Để lấy hoa ướp trà nên trồng giống lài sẻ vì có năng suất cao và phù hợp với nhu cầu thị trường.
* Chọn và nhân giống: Cây lài rất dễ trồng, nhân giống chủ yếu bằng cách giâm cành. Khi giâm cành thì chọn những bụi lài phát triển tốt, không sâu bệnh. Trên những dây “lươn” bò ngang hoặc đứng, khoảng cách giữa các mắt lá gần nhau, dùng dao sắc cắt xéo thành những hom dài 15 - 20cm (3 đốt lá). Sau khi cắt khoảng 3 - 4 giờ, mặt cắt đã se lại, lúc này đem giâm hom vào bầu (hoặc trên mặt luống). Bầu gồm có đất mùn tơi xốp, trộn với phân chuồng hoai mục và tro trấu theo tỷ lệ 2:1:1. Sau đó cần thường xuyên tưới đủ ẩm cho hom nhanh ra rễ. Nên làm giàn che, chăm sóc khoảng 4 - 5 tháng, khi cây có chiều cao 15 - 20cm, lá ổn định thì đem trồng ra ruộng.
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
* Thời vụ trồng: Lài có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng trước và sau mùa mưa.
* Chuẩn bị hố trồng và cách trồng: Đào hố trước khi trồng 1 tuần, hố có kích thước 30 x 30 x 30 cm. Sau đó cho vào hố 1kg phân hữu cơ (đã được ủ hoai với nấm Trichoderma), 0,2kg lân và kali trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố trồng.
Khi trồng, dùng cuốc móc đất lên và đặt bầu cây giống vào giữa, dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nylon lên và lấp đất kín phần cổ rễ. Trồng xong thì tưới đẫm và thường xuyên tưới đủ ẩm để lài sinh trưởng, phát triển tốt.
Khi cây lài còn nhỏ, cần tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi rơm rạ phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.
* Tưới và tiêu nước: Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho lài, vào mùa mưa cần thoát nước vào những tháng mưa nhiều, tránh ngập kéo dài sẽ dễ làm cho lài bị chết úng.
* Phân bón: Tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà bón lượng phân khác nhau.
- Sau 10 ngày cây bắt đầu bén rễ, hồi xanh thì có thể sử dụng phân Humix (15g/16l) + Hydrophos (40ml/16l); phun 2 bình 16 lít/1.000 m2), sau đó phun định kỳ 1 lần/tháng.
- Năm tháng đầu, mỗi tháng bón 5kg urê với 5kg Super lân/1.000 m2.
- Từ tháng thứ 6 trở đi bắt đầu thu hái bông, bón mỗi tháng 20kg NPK (16-16-8) và tháng sau thay bằng 20kg DAP kết hợp phun phân Humix như trên sau mỗi đợt thu hoạch bông.
* Phương pháp bón phân: Bón xung quanh gốc theo tán cây, kết hợp xới xáo, làm cỏ và phủ đất lấp phân, tránh để phân bốc hơi hoặc bị rửa trôi.
* Đốn tỉa, tạo tán: hàng năm nên tiến hành đốn tỉa để cây được thông thoáng, sẽ hạn chế được sâu bệnh và cho hoa tập trung hơn. Nếu có điều kiện thì nên tiến hành 2 đợt:
- Đợt 1 (vào tháng 5-6): tiến hành đốn tỉa, tạo tán (đốn đau) bằng cách dùng dao, kéo sắc cắt toàn bộ thân cành cách gốc 30 – 40 cm, tỉa bỏ bớt các cành già, cành khô, cành sâu bệnh, bón thúc và tưới nước đủ ẩm để cây tiếp tục cho hoa.
- Đợt 2 (vào tháng 9-10): dùng dao, kéo sắc tỉa phớt cách ở vị trí cắt đợt 1 là 30 cm; sau đó bón phân và tưới nước đầy đủ, lài sẽ cho bông nhiều vào tháng 11-12 (thời điểm lài có giá cao).
Chú ý: Chỉ tiến hành khi trời nắng và sau khi cắt tỉa phải phun một trong những loại thuốc: Carbendazim, Thiophanate Methyl, hoặc các thuốc gốc đồng, … sẽ hạn chế được bệnh chết cành và chết bụi.* Thu hoạch: Từ khi trồng đến khi cây lài được 5 tháng tuổi nên ngắt bỏ những bông ra sớm để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Cây lài 6 tháng tuổi thì bắt đầu cho thu hoa lứa đầu và có thể thu liên tục trong khoảng 7 - 10 năm mới phải trồng lại. Thời điểm thu hoa thường bắt đầu từ 10 giờ sáng nhưng tốt nhất là từ 3 - 6 giờ chiều vì sẽ cho nhiều hương nhất. Khi thu hoạch nên chọn hái những nụ hoa to, có màu trắng tinh như màu giấy trắng./.
KS Vũ Khắc Chung
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét