TOTAL VIEWS_TONG SO KHACH VIENG THAM

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

LÀNG DỆT BẢY HIỀN

Gia đình hơn 50 năm giữ nghề dệt vải bằng khung gỗ - ảnh 1
   

Khi  còn ở Việt nam tôi không bao giờ nghĩ được rằng sang Mỹ đồng hương mình lại có dịp tụ họp đông vui như năm rồi. Bên Việt nam ,đất Bảy hiền không rộng ,nhà cửa gần nhau san sát  từng cụm,mỗi sáng ra đường ,đi chợ,uống cà phê là gặp mặt nhau,chào hỏi nhau dòn dã. Cả khu dệt chỉ có 2 con đường nhỏ:Nguyễn bá Tòng và Hồ tấn Đức [bây giờ là Nguyễn-bá-Tòng và Võ -thành- Trang] song song nhau nối liền khu xóm dệt đông vui, ồn ào,náo nhiệt ngày đêm. Ồn ào vì từ sáng đến chiều,đến nửa khuya,tiếng khung cửi dệt rào rào như tiếng mưa rơi xầm xập ,hồi đó ở đây mọi người nói chuyện với nhau rất to ,bỡi vì với âm điệu bình thường không thể nào nghe nhau rõ .Hồi mới sang Mỹ,những ngày tháng đầu tôi thường phát âm  thật lớn,mỗi lần nói chuyện,mọi người đều nhìn tôi  lạ lùng không hiểu nnân vật nầy ở đâu ra mà to tiếng thế?   Ở Việt nam cũng vậy ,dân Bảy hiền đi ra ngoài thường có giọng phát âm sang sãng vì mọi người tưởng chừng như nói nhỏ không ai nghe được.Riết rồi dân xóm dệt trở thành ăn to nói lớn.Ăn to bỡi vì nhìn lại xóm có dệt tí tẹo,thế mà quán xá lu bù. Trên đường nhỏ ngay xưởng hồ của Hồ Trung,bánh bèo,bánh xèo,mì Quảng, hù tiếu,phở ... mọc lên lũ khũ. Tối thứ bảy ,chủ nhật qua đây,tiếng người nói chuyện,tiếng lữa reo, tiếng bánh xèo đổ "   xèo xeò"   tiếng xe Honda chạy ì ầm taọ thành một âm thanh ồn ào khó tả.Những người dân đất Quảng tha hương-sống loanh quanh Sài gòn-thường trở về đây tìm lại dư hương xa xưa với những món ăn quê hương, giữa khung cảnh náo nhiệt  nhưng đầy thân yêu ,đầm ấm nơi xứ lạ. Bảy hiền là quê hương thứ hai cuả những người dân đất Quảng xa xứ.Về đây để nghe laị giọng nói quê mình,những mô ,tê,  ri , rứa; những ni ,nớ ,mi, tau. Ôi !những âm điệu thân yêu,trìu mến đó ,từ lọt lòng ra mình đã nghe - như ăn, như uống - đi sâu vào tâm thức mình ,xương tủy mình ,trong từng giấc ngủ ,chiêm bao .Để rồi mỗi lần tha hương,nơi đất lạ quê người, lại thèm nghe giọng nói đó,âm thanh đó như thèm ăn những đặc sản nơi quê mẹ. Ở đây --những ngày trên đất Mỹ - mỗi lần ra đường,ra chợ,giữa đám đông người,nghe có giọng miền Trung là vợ tôi lại lân la hỏi chuyện . -Anh chị ở Quảng nam ? Dạ,tôi ở Tam kỳ.  - Chị ở Đà nẵng. - Em ở Duy xuyên- Được nghe lại giọng nói đó,bao giờ chúng tôi cũng thấy lại vui ,lại gần gủi nơi quê cha đất tổ. Tôibiết và tôi không hiểu được vì sao,có những người khi xa quê hương lại từ bỏ giọng nói quê  hưong mình, chê nó quê mùa ,cục mịch.
   Ôi   quê hương .Quê hương đối với ta bao giờ cũng đẹp,cũng thân yêu. Bỡi vì ông bà ta đã sinh ra từ đó , cha mẹ ta đã sinh ra từ đó.Và từ đó,ta đã nằm trong nôi,nghe tiếng hát mẹ à ơi ,vỗ về từng câu ca dao ngọt lịm.
    "  Ngó lên Hòn kẻm đá vừng,thương cha ,nhớ mẹ qúa chừng bạn ơi".
   Những buổi trưa hè oi bức nằm lim dim  trên chiếc võng tre kĩu- kịt bên hiên, nghe tiếng chị ru à ơi :
         "Cây da mô cao cho bằng cây da Bàn lãnh, đất mô thanh cảnh cho bằng đất Bảo an, chỗ mô vui cho bằng chỗ phố chỗ Hàn ,dưới sông tàu chạy trên đàng ngựa xe ."   hay :"    cầm cân xuống phố mua vàng , gặp anh giữa đàng bảy lượng còn ba , về nhà nói dối bà gia , dọn đường quét ngỏ tháng ba dâu về , dâu về dâu chẳng về không , ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau , mâm trầu lại với mâm cau , có thằng nho nhỏ đi sau quạt hầu .
   Những câu ca dao mịn màng ,êm ấm đó  như ru ta vào giấc ngủ thần tiên của tuổi ấuthơ ,nơi quê hương của một thời yên bình dĩ vãng.
  Rồi chiến tranh xảy ra , bom đạn cày xéo trên quê cha ,đất tổ , người dân xứ Quảng cũng bỏ xứ ra đi ,trăm phương nghìn hướng ,nhưng tựu trung nhiều nhất  về  miền nam , vùng  Sài gòn-Gia Định  .Một số đông về xã Phú-thọ hòa và Tân sơn hòa [thuộc quận Tân bình] mà lập nên một làng dệt Quảng nam với tên gọi mới là làng dệt Bảy hiền .Từ Sài gòn đi về hướng Tây ninh  làng dệt nằm ngay góc trái của ngã tư giao lộ đường Lê văn Duyệt và  Nguyễn văn Thoại .
Phía bên kia là đường Hồ tấn Đức ,lối vào nằm trên đường  Nguyễn văn Thoại , ngay đầu đường vào có quán cà phê "   Gió "   nỗi tiếng của lớp bạn trẻ . Những cô thợ dệt trẻ hay các nữ sinh đi  ngang qua đây thường đi rất nhanh để tránh những lời chọc ghẹo của các cậu thanh niên vừa uống cà phê vừa nhìn ra đường dòm ngó .Giống như bao nhiêu quán cà phê khác ở trên toàn cỏi VN ,quán Gió cũng có  một cô hàng cà phê nhỏ nhỏ,xinh xinh ,để ngày ngày các anh thợ dệt ,các cậu học sinh , rỗi công ra đây tán tĩnh  để rồi bỏ quên "    cây đàn ",  à  không  " cái thoi "  . Cái thoi anh bỏ đâu rồi ? Anh về anh thấy bồi hồi nhớ em  .Em được thì cho anh xin.  Hay là em để trong tim em rồi... Hay một anh chàng học trò khờ ,sính văn chương về nhà làm thơ con cóc. "   Con cóc trong hang con cóc nhảy ra,con cóc nhảy ra ,con cóc ngồi đó ,con cóc ngồi đó,con cóc nhảy đi...để rồi nhà thơ con cóc cùng các chàng thợ dệt đua nhau trồng những cây si to tổ bố như những gốc đa trong quán  cô chủ .Một ngày nọ cô nàng đi lấy chồng ,bao nhiêu anh chàng đâm ra thất tình về nhà ca bài ca "    con sáo"    . Con sáo sang sông còn trông con sáo lại , em đi lấy chồng rồi anh dệt lụa cho  ai ?.Còn cô nàng cà  phê , bẳng  đi mấy năm sau , tôi có gặp cô về  Bảy hiền ,nhưng nay thì em đã tay bế , tay bồng ,  nghe  đâu chồng cô - một võ sĩ có hạng thời đó - đã từng thượng đài  đoạt giải vô đich  nhiều lần về  võ thiếu lâm  ở Chợ lớn ,nhưng sau vì tham dự vào một băng cướp nào đó nên vào tù , cô nàng dắt mấy đứa con nhỏ về lại Bảy hiền ,nương nhờ ông bà ngoại .
    Từ đường Nguyễn bá Tòng đi thẳng lên , qua xưởng hồ  của Hồ Trung  thì đến chợ bà Hoa .Đây là một ngôi chợ nhỏ ,bán toàn đồ ăn đặc sản  miền Trung ,rau cải và một ít vải vóc .   Trước 75,   Bà Hoa chủ chợ - không  phải là một nhân vật lịch sử ,hoang đường hay truyền thuyết  -  như các  Bà Hom , Bà Quẹo , Bà Điểm ... xung quanh đây - mà bà Hoa  là một người thật việc thật  . Bà ta bỏ tiền ra mua khu đất này của nhà thờ  , từ văn phòng tòa Tổng giám mục Sài gòn ,xây chợ cho thuê rồi cho người ra thu thuế . Một người đàn bà to con ,bậm trợn và phi thường nên việc làm cũng phi thường .Gần đến ngày 30 tháng 4 , bà ta  ,trước khi bỏ của chạy lấy người,  cũng  lanh lẹ hốt được một cú hụi chót ,  bằng cách ranh mãnh đem bán những ngôi nhà xung quanh chợ, cho những người chân ướt  chân ráo  chạy loạn từ Đà nẵng vào Sài gòn để lấy được một số vàng không phải  nhỏ  bằng những văn tự là  những tờ giấy mua bán  viết tay -  như những tờ giấy lộn không  hơn không kém  [nhưng nhờ lúc đó là thời hổn mang,nên những người mua nhà của bà  cũng hợp thức hóa được sau khi phải tốn một số tiền lót tay khá bề bộn cho những kẻ đương quyền].Đặc biệt tại chợ này có gian hàng bán quanh năm những thứ bánh trái miền Trung,  Quảng nam như: bánh ú [ loại bánh nấu bằng nếp có nhân đậu xanh , gói  lá chuối , có bốn góc rất đẹp mắt ] loại bánh này có bán hầu hết tại các quán mì Quảng cuả miền Trung mà hồi nhỏ tôi rất thích vi vừa số tiền ăn vặt được mẹ cho , vừa có chất lượng vì no bụng để đủ sức chạy nhảy ,đá banh ,kéo co ... thỏa thich ;loại bánh thứ hai cũng gói bằng nếp lá chuối  nhưng có hình tháp vuông và lớn gấp ba bốn lần cái bánh ú cũng nhân bằng đậu xanh  ,đó là cái bánh rò được dùng để cúng trong các dịp giỗ quẩy  ; rồi đến bánh tét dài và tròn  có nhân ở trong   bằng  thịt  dùng để cúng vào các dịp tết đến .


                                                                                          [ còn tiếp]






1 nhận xét:

  1. Chào Ông,

    Cám ơn ông về bài viết rất hay ghi nhận về một "làng nghề/xóm nghề dệt" của người Quảng ở Sài Gòn. Cho đến nay, rất ít tài liệu đề cập về văn hóa làng nghề như trong bài viết của ông. Tôi cũng là người Quảng Nam, quê tôi ở Đại Lộc. Qua những hiểu biết của ông, tôi nghĩ ông có lẽ cũng khá cao tuôi. Tôi sinh năm 1973, chắc thuộc hàng con cháu của ông thôi!
    Đọc bài viết tôi như được sống lại tuổi thơ với những điệu hò, lời ru ngày còn bé ở quê nhà. Hiện nay tôi sinh sống tại TPHCM (dù không ở quận Tân Bình, tôi cũng thường xuyên đến khu chợ Bà Hoa để ăn mỳ Quảng, bánh xèo và mua đường tán, bánh rò để cúng ông nội.
    Tôi đang làm việc ở một Viện nghiên cứu, tôi đang quan tâm đến lịch sử và văn hóa của các làng nghề/xóm nghề thủ công truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu có thể, ông có thể viết/cung cấp thêm về quá trình hình thành và phát triển của khu dân cư làm nghề dệt; các hoạt động văn hóa liên quan đến nghề dệt: về nguồn gốc quê quán (lễ cúng xóm, lễ kỳ yên chẳng hạn...), những câu thơ truyền miệng, bộc phát trong lao động của những người thợ dệt,...
    Tôi rất mong được làm quen để học hỏi thêm những hiểu biết của ông.
    Tôi rất mong nhận được email của ông.

    Trân trọng kính chào

    Nguyễn Thị Hoài Hương
    Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
    28 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM.
    ĐT: 0913115243
    Email:huongbeads@gmail.com

    Trả lờiXóa