Truyện Kiều - tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du


Truyện Kiều lúc đầu được Nguyễn Du đặt tên là Đoạn trường Tân Thanh, nghĩa là: Tiếng nói mới đứt ruột. Được viết dựa vào một tác phẩm cổ của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống vào đời nhà Thanh. Nội dung của Kim Vân Kiều truyện bắt nguồn từ một câu chuyện có thật xảy ra từ thời nhà Minh. Tại vùng quê phía Đông Trung Quốc, một toán cướp biển do Từ Hải cầm đầu thường xuyên đánh phá vùng Giang Đông. Triều đình cử quan Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến cầm quân đánh dẹp toán giặc biển này. Câu chuyện được Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách: Ký tiểu trừ Từ Hải bản mật. Câu chuyện này về sau được nhiều người viết đi viết lại. Đới Sĩ Lâm viết: Lý Thuý Kiều truyện; Dư Hoài viết: Vương Thuý Kiều truyện; Trần Thụ Cơ viết: Hồ Thiếu Bảo bình nguy tấu tích; Mộng Giác Đạo Nhân viết: Từ tạ Từ Hải Nghĩa...  


Nhìn chung, những tác phẩm này tình tiết có thay đổi ít nhiều so với sách của Mao Khôn. Nhưng tuyến chính của câu chuyện là mối quan hệ giữa Thuý Kiều và Từ Hải. Thuý Kiều là một kỹ nữ thông minh, xinh đẹp, lại có tài đàn hay, thơ giỏi. Từ Hải khi đánh phá vùng Giang Nam bắt được nàng, Từ Hải hết lòng yêu mến Thuý Kiều, về sau Thuý Kiều bị Hồ Tôn Hiến mua chuộc để dụ Từ Hải ra hàng.
Kết quả Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến giết, Thuý Kiều bị bắt. Trong tiệc mừng công, Thuý Kiều phải đánh đàn hầu hạ Hồ Tôn Hiến. Sau đó Hồ Tôn Hiến gả nàng cho một tên Tù trưởng người dân tộc thiểu số, Thuý Kiều đau khổ, nhục nhã nhảy xuống sông tự tử.


Câu chuyện này về cuối đời Minh, Thanh Tâm Tài Nhân viết lại một lần nữa, lần này câu chuyện được viết công phu hơn. Tác phẩm không còn là một câu chuyện ngắn đơn giản nữa mà trở thành một tiểu thuyết chương hồi. Toàn bộ tác phẩm chia làm 24 hồi. Đầu mỗi hồi có hai câu thơ tóm tắt đại ý, với một đoạn phê phán theo kiểu văn bạch thoại. Thỉnh thoảng xen vào những đoạn văn đàm luận. Kim Vân Kiều truyện có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, lối miêu tả quá tỉ mỉ, vụn vặt dài dòng. Đặc biệt trong Kim Vân Kiều truyện quan hệ giữa Thuý Kiều và Từ Hải không phải là tuyến chính, mà tuyến chính là 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều. Kết thúc tác phẩm không phải là Kiều tự tử trên sông Tiền Đường, mà còn có đoạn Kiều được vớt lên, được cứu sống về sau đoàn tụ với Kim Trọng.


Ở Trung Quốc, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không phải là một tác phẩm văn học cổ xuất sắc, không được mọi người ưa chuộng như tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chỉ khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời, được nhân dân ta yêu thích và thế giới ca ngợi thì ở Trung Quốc mới quan tâm tới tác phẩm Kim Vân Kiều truyện.


Truyện Kiều của Nguyễn Du không chia bằng hồi, nhưng bố cục vẫn theo Kim Vân Kiều truyện. Ông chỉ bớt đi những chi tiết rườm rà, những câu văn dài dòng, vô ích, các bài thơ cũng bớt. Nguyễn Du chỉ lấy ý tứ và một số hình ảnh tiêu biểu nhất đem diễn tả bằng thơ lục bát với 3.254 câu.


Từ trước đến nay các nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn Du chọn đề tài Kim Vân Kiều truyện là vì ông thấy số phận của Thuý Kiều có phần giống cảnh ngộ của ông. Thuý Kiều vì gia biến mà phải bán mình chuộc cha, đem thân làm vợ người khác nên không trọn lời nguyền với Kim Trọng. Nguyễn Du mượn cảnh đó để nói lên nỗi lòng của mình, vì vận nước thay đổi mà phải đem thân làm bề tôi cho một triều đại khác nên không trọn đạo trung quân với nhà Lê. Mặt khác, ông cũng không thể đưa thực trạng xấu xa của xã hội phong kiến Việt Nam vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy, ông mượn câu chuyện của Trung Quốc để viết là để tranh khỏi bị triều đình nhà Nguyễn bắt tội.


Về vấn đề Truyện Kiều được Nguyễn Du viết vào thời điểm nào? Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra các luận cứ thuyết phục. Tháng 2 năm 1943, trên báo Thanh Nghị, cụ Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện, cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoàng thời gian 1814-1820. Học giả Đào Duy Anh thì phủ nhận ý kiến ấy. Trong bài Nguyễn Du viết đoạn trường Tân Thanh vào lúc nào?, ông cho rằng chỉ căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện thì không hoàn toàn chính xác. Đào Duy Anh dựa vào Nguyễn Văn Thắng (bạn cùng thời với Nguyễn Du) tác giả của Kim Vân Kiều án, có nói Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã lưu hành rộng rãi ở nước ta từ trước. Trong lời tựa Kim Vân Kiều án, Nguyễn Văn Thắng dùng chức quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ để chỉ Nguyễn Du. Theo Đào Duy Anh điều đó chứng tỏ Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào lúc ông giữ chức Quan Đông Các, tức là từ năm 1805-1809.


Nhìn chung từ trước tới nay các nhà nghiên cứu Truyện Kiều mỗi người đưa ra một thời điểm khác nhau. Người này phủ nhận ý kiến người kia và cố chứng minh cho quan điểm của mình là đúng. Nhưng tựu trung lại đều thống nhất có ba thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều:


- Sau khi đi sứ Trung quốc về (sau 1813);

- Những năm làm quan cho nhà Nguyễn (từ 1802-1809);

- Những năm về sống ẩn dật tại quê nhà (1796-1802)


Ngoài ra, một ý kiến cho rằng: Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời gian sống ở quê vợ tại Thái Bình (1786-1796).


Truyện Kiều của Nguyễn Du viết xong được khắc in ngay. Tương truyền, sau khi viết xong, Nguyễn Du đưa bản thảo cho Phạm Quý Thích xem. Phạm Quý Thích có chữa một số chữ trong bản thảo của Nguyễn Du, rồi viết lời tựa đưa in. Đổi tên sách Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du thành Kim Vân Kiều Tân truyện. Bản này về sau gọi là bản phường (In ở phường Hàng Gai, Hà Nội). Sau này vua Tự Đức nhà Nguyễn rất thích Truyện Kiều đã sửa chữa một số chữ và cho khắc in, dân ta quen gọi là bản Kinh (In ở Kinh Đô Huế). Cả hai bản này về sau được in đi in lại nhiều lần bằng chữ Nôm. Khi chữ Quốc ngữ ra đời lại được dịch ra Quốc ngữ, số lần in lại càng nhiều hơn. Bản Quốc ngữ đầu tiên là của Trương Vĩnh Ký in năm1875.


Truyện Kiều ra đời được nhân dân ta đón đọc một cách say sưa, có nhiều lúc đã trở thành vấn đề xã hội. Từ các bậc vua chúa, quan lại, văn nhân, sĩ tử đến cả những người dân không biết chữ cũng học thuộc lòng và lấy làm vui thích.


Năm 1830, vua Minh Mạng, một người thông minh, hiếu học, tinh thông nho học và sùng đạo Khổng, say mê Truyện Kiều, đã mở đợt bình Kiều đầu tiên. Nhà vua đứng ra chủ trì mở văn đàn ngâm vịnh và sai các quan ở Hàn Lâm Viện chép lại để cho đời sau.
Đến đời Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các nhà khoa bảng trong triều để bình và vịnh Kiều. Mở văn đàn tại Phú Văn Lâu, mặc dù Phú Văn Lâu là nơi để nhà vua ban bố những văn kiện và có tính quốc gia đại sự.


Năm 1905, Tổng Đốc Hưng Yên là Lê Hoan mở hội Tao Đàn thi văn chương về Truyện Kiều. Nhiều nhà khoa bảng, quan lại tham dự, nhà thơ Nguyễn Khuyến làm giám khảo. Trong cuộc thi này Chu Mạnh Trinh được giải nhất với 21 bài thơ vịnh Kiều. Ở thế kỉ XIX, Truyện Kiều được nhân dân ta ưa chuộng, say mê. Chu Mạnh Trinh có thể được xem là một trang văn nhân tài tử mê Kiều. Vua Tự Đức đã từng trách cứ các quần thần về việc mê Kiều với câu nói được truyền tụng khắp nước thời bấy giờ: "Mê gì mê đánh tổ tôm, mê ngựa hậu bổ, mê nôm Thuý Kiều".


Sang thế kỷ XX, Truyện Kiều có ảnh hưởng sâu rộng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Do yêu thích Truyện Kiều mà nảy sinh nhiều loại hình nghệ thuật văn chương chung quanh Truyện Kiều như: Tập Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều... Thậm chí còn dùng Truyện Kiều để bói toán vận hạn tốt xấu. Truyện Kiều được dựng thành phim, đưa lên sân khấu tuồng, chèo, cải lương, hội hoạ... và còn có cả một cuốn từ điển Truyện Kiều để đọc giả, các nhà nghiên cứu điển tích, ngữ nghĩa.


Mặc dù Truyện Kiều ra đời cách đây mấy trăm năm, nhưng đến nay các nhà xuất bản hàng năm đều xuất bản với số lượng lớn, được nhân dân đón đọc thích thú. Truyện Kiều đã được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trên Thế giới: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari, Ả Rập, Lào, Thái Lan...


Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều đánh giá cao Truyện Kiều. Năm 1926 dịch dả người Pháp Rơ-ne-cry-săc khi dịch Truyện Kiều đã viết bài nghiên cứu có đoạn viết: "Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, trong bất kỳ thời đại nào". Ông so sánh "Trong tất cả nền văn chương Pháp, không một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam". Cuối cùng ông kết luận: "Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc".


Tháng 12 năm 1965, Hội đồng Hoà Bình thế giới ra Quyết định kỉ niệm Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân lỗi lạc của nhân loại trên thế giới.