Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân
Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân do Dịch giả Thích Chính Tiến – Thích Quảng Độ dịch từ bản Hán văn Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] (Thất dịch) thuộc Đại Chánh tạng, tập T03, kinh số 156, tổng cộng có 7 quyển.
MỤC LỤC
Quyển Thứ Nhất
01. Phẩm Tự Thứ Nhất
02. Phẩm Hiếu Dưỡng Thứ Hai
Quyển Thứ Hai
03. Phẩm Đối Trị Thứ Ba
04. Phẩm Phát Tâm Bồ Đề Thứ Tư
Quyển Thứ Ba
05. Phẩm Luận Nghĩa Thứ Năm
Quyển Thứ Tư
06. Phẩm Ác Hữu Thứ Sáu
Quyển Thứ Năm
07. Phẩm Từ Bi Thứ Bảy
Quyển Thứ Sáu
08. Phẩm Ưu Ba Ly Thứ Tám
Quyển Thứ Bảy
09. Phẩm Thân Cận Thứ Chín
Quyển Thứ Nhất
01. PHẨM TỰ THỨ NHẤT
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ Phật ở thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng với các vị Đại Tỳ Khưu, hai vạn tám ngàn người, đều là những bậc chỗ sở tát đã xong, phạm hạnh đã lập, không còn phải chịu thân sinh tử hậu hữu tâm được tự tại, cũng như đại định.
Các vị ấy tên là: Ma Ha Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Kiều Trần Như, Ly Việt Đa Ha Đa, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Tất Lăng Già Bà Ta, Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Chuyên Duyên, A Nan, La Hầu La v.v… là những người mà đại chúng đều đã quen biết. Bồ Tát Ma Ha Tát, có ba vạn tám ngàn người, đều là những bậc đã lâu vun trồng gốc đức; đã từng ở nơi vô lượng trăm nghìn muôn ức chư Phật, thường tu phạm hạnh thành tựu đại nguyện, thông suốt tất cả trăm nghìn thiền định, đà la ni môn. Thường đem lòng đại bi, tùy thuận làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, tiếp nối làm cho ngôi Tam Bảo thường được hưng thịnh, khiến không đoạn tuyệt, hay dựng cờ pháp, vì các chúng sinh, làm người bạn không mời mà tự đến được bờ đại trí, tiếng tăm đồn khắp. Tên các bậc ấy là: Quán Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Diệu Đức Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Diệu Quang Bồ Tát, Phổ Bình Bồ Tát, Đức Thủ Bồ Tát, Tu Xưng Vương Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Đại Hương Tượng Bồ Tát, Trì Thế Bồ Tát, Việt Tam Giới Bồ Tát, Thường Bi Bồ Tát, Bảo Chưởng Bồ Tát, Thế Quang Anh Bồ Tát, Diệu Xí Diệu Bồ Tát, Bảo Nguyệt Bồ Tát, Đại Lực Bồ Tát, Vô Lượng Tuệ Bồ Tát, Bạt Đà Hòa Bồ Tát, Sư Tử Hống Bồ Tát, Sư Tử Tát Bồ Tát, Sư Tử Phất Tấn Bồ Tát, Mãn Nguyện Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử v.v… cùng với trăm nghìn quyến thuộc.
Lại có vô lượng trăm nghìn các Thiên tử ở Dục Giới, cùng với các quyến thuộc, đều mang hương hoa vi diệu, và trổi âm nhạc cõi trời, để cúng dàng Phật.
Tất cả các Chư Thiên, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân v.v… cùng với trăm nghìn quyến thuộc đều lễ sát xuống chân Phật. Rồi lui ngồi một phía.
Bấy giờ đại chúng đều vây quanh đức Như Lai, cúng dàng cung kính, tôn trọng khen ngợi Ngài.
Khi ấy, nhân có Tôn giả A Nan, nhờ thần lực của Phật, một buổi sáng nọ, Tôn giả vào thành Vương Xá, theo thứ tự khất thực. Khi ấy ở trong thành có một người con Bà la môn, rất hiếu dưỡng cha mẹ, người con đó lại gặp lúc gia cảnh suy sút, gia tài khánh kiệt, nên phải dắt mẹ già, cũng theo thứ tự xin ăn để nuôi mẹ. Nếu được thức ăn ngon, hoa quả tươi tốt, liền đem dâng cho mẹ, còn khi được những thức ăn không ngon, hay hoa quả khô héo thì mình ăn.
Ngài A Nan thấy vậy, lòng sinh vui mừng, và khen ngợi người con ấy rằng:
– Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện nam tử, cúng dàng cha mẹ, rất là hiếm có, thực khó ai sánh kịp.
Lúc đó, có một kẻ Phạm Chí, đồ đảng của bọn Lục sư, người ấy rất thông biện; thấu suốt cả bốn bộ sách Vệ đà, biết được thời tiết, số mạng, bói toán, biết xem tướng tốt xấu, âm dương biến đổi, đoán trước được nhân tâm của mọi người, và cũng là đạo sư của đại chúng (đồ đảng của bọn Lục sư), được nhiều người tôn kính, vì cầu lợi dưỡng, nên thường chấp trước tà luận, hủy diệt chính pháp, thường mang lòng ghen ghét, hủy báng Phật, Pháp, Chúng Tăng.
Kẻ Phạm Chí ấy bảo Tôn giả A Nan rằng:
– Thầy của người là Cồ Đàm, và những người trong dòng họ Thích, tự nói là hay, là tốt, có những công đức lớn lao, chẳng qua cũng chỉ có danh, mà không có thực. Thầy Cồ Đàm của ngươi mới thật là bạc phúc, nếu không như vậy, thì tại sao mẹ của ông vừa mới sinh ra ông được bảy ngày đã chết, để ông phải côi cút, như thế chẳng phải là người bạc phúc là gì? Cho đến khi khôn lớn, lại vượt thành xuất gia, làm cho Vua cha phải khổ não, lòng sinh ra buồn rầu, mê mẩn, ngã ngất ra đất, phải dùng nước lạnh rảy vào mặt, bảy ngày mới tỉnh, rồi cất tiếng kêu gào khóc lóc mà nói rằng:
– Con ơi! Nước này là nước của con, ta chỉ có một mình con là chỗ nương cậy, làm sao ngày nay con lại nỡ bỏ ta trốn đi, vào ở nơi hang sâu núi thẳm.
Thầy Cồ Đàm của ngươi thực là người bội bạc, chẳng biết ân nghĩa, mới đành lòng dứt bỏ ra đi như thế! Cho đến phụ vương, vì tạo lập cung điện, cưới nàng Cù Di làm vợ cho Cồ Đàm, nhưng ông cũng chẳng làm theo bổn phận của vợ chồng, khiến cho nàng phải sầu khổ, cho nên biết Cồ Đàm là người bất hiếu.
Tôn giả A Nan nghe nói như thế rồi, trong lòng sinh ra thẹn hổ, khất thực xong xuôi, trở về đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát xuống chân Phật, rồi lui về ngồi một phía, chấp tay bạch Phật rằng:
– Lạy đức Thế Tôn! Trong Phật pháp, có sự hiếu dưỡng cha mẹ không?
Phật dạy:
– A Nan! Ai bảo ngươi, khiến ngươi hỏi ta điều ấy, chư Thiên thần chăng? Nhân, Phi nhân chăng? Hay là ngươi tự đem trí lực của ngươi mà hỏi Như Lai chăng?
Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
– Lạy đức Thế Tôn! Không phải chư Thiên, Long, Quỷ, thần, Nhân, Phi nhân hiện ra bảo con, mà do vừa rồi, lúc con đi khất thực, ở giữa đường gặp đồ đảng Lục sư, là Tát Gia Ni Kiền Tử, đem lời mạ nhục.
Tôn giả A Nan đến trước Phật thuật hết những sự tình như trên…. (Đọc tiếp KINH ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN)
Tuyết Trang sang thăm anh Vophubong .....hôm nay sang nhà anh thấy anh quy ngưỡng về Phật pháp....em rất mừng cuốn kinh này hay lắm anh nè.....Kính chúc anh luôn an lành.
Trả lờiXóađúng vậy
Xóa