Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Những nguy cơ ô nhiễm độc hại được cảnh báo trước



Những nguy cơ ô nhiễm độc hại được cảnh báo trước

LTS. Trước vấn đề thời sự – thảm họa môi trường tại vùng biển miền Trung – đang rất nóng trong dư luận, tòa soạn nhận được bài viết của CTV Huyền Lam, hiện đang làm việc trong lĩnh vực môi trường tại Hoa Kỳ, xin giới thiệu cùng bạn đọc quan tâm.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung gây hoang mang dư luận – Ảnh: AFP
Là nhân viên hiện công tác tại Bộ Môi sinh cho một tiểu bang tại Hoa Kỳ, người viết theo dõi tin tức trong tâm trạng hết sức lo âu về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với nghi vấn liên quan tới nước thải từ khu công nghiệp Formosa – Hà Tĩnh. Bởi một nhà máy luyện kim nếu không tuân thủ những quy tắc kiểm soát chất thải nghiêm ngặt sẽ ô nhiễm môi trường qua 3 luồng: nước thải, khí thải và nước ngầm. Sự ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống không chỉ dưới nước mà còn trên đất liền, tác hại nghiêm trọng đến hàng triệu người. 
Luồng khí thải: Là luồng có tác động lâu dài, lan rộng đến cư dân nhất. Các ống khói nhà máy luyện kim nếu không được lấp ráp bộ phận xử lý khí thải, sẽ phát tán chất độc và phân tử kim loại nặng đi khắp nơi trên diện rộng cả trăm ki-lô-mét. Những chất độc này lơ lửng trong không khí, được mưa và độ ẩm cho tích tụ xuống đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm theo thời gian. Cư dân, sinh vật sống trong môi trường này sẽ bị nhiễm kim loại và hóa chất, gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe.
Xin đơn cử nhà máy luyện kim tại thành phố Everett bang Washington – Hoa Kỳ, hoạt động từ năm 1894 đến 1912 khi tác hại môi trường còn chưa được biết nhiều như ngày nay. Dù đã đóng cửa hơn một trăm năm, nhưng vào thập niên 1990 mức ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm vẫn còn nặng nề. Các chuyên gia môi trường phát hiện ra rằng: Ô nhiễm môi trường không chỉ trong phạm vi gần nhà máy mà còn lan tỏa trên khu vực rộng do các ống khói thả ra. Chính quyền tiểu bang Washington nổ lực tấy sạch ô nhiễm bằng cách lấy lớp đất bên trên đi xử lý. Đây là công tác hết sức tốn kém, to lớn đến nỗi đã thi hành hơn 20 năm qua vẫn chưa thể hoàn tất.
Vì mức độ ô nhiễm tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, Bộ Môi sinh tiểu bang Washington đã phát hành bảng hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt cho cư dân trong vùng. Qua đây chúng ta thấy được sự nguy hiểm của nhà máy luyện kim nếu không xử lý được chất thải. Bởi kim loại nặng là chất khó tự tiêu hủy trong thiên nhiên theo thời gian được.
Ngày nay một nhà máy luyện kim gắn bộ phận xử lý khí thải dĩ nhiên rất tốn kém do kỹ thuật phức tạp. Bên cạnh đó sau quá trình xử lý lượng khí thải nhất định, bộ phận này phải được thay thế hoặc làm mới để có thể tiếp tục lọc được chất độc.
Một nhà máy luyện kim nếu không tuân thủ những quy tắc kiểm soát chất thải nghiêm ngặt sẽ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Luồng nước thải: Nhà máy luyện gan thép xử dụng lượng nước rất lớn trong quá trình luyện kim. Nguồn nước thải chứa đựng hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống không những cho sinh vật dưới nước mà cả con người và sinh vật trên bờ do những chất kim loại này sẽ được sóng đẩy thâm nhập vào bờ. Xử lý nguồn nước thải tốn kém còn hơn xử lý nguồn khí thải do quy trình tách kim loại dưới dạng phân tán ra khỏi nước khá phức tạp, đòi hỏi nhiều công nghệ. Quy trình này yêu cầu cơ quan nhà nước thanh tra nghiêm ngặt để kim loại và hóa chất độc hoàn toàn được loại bỏ trước khi xả vào nguồn nước chung. 
Nước thải chưa xử lý phải được thâu gom vào bồn chứa. Nước thải đã được xử lý cũng phải gom vào bồn chứa riêng, chờ cơ quan chức năng khám nghiệm đúng tiêu chuẩn mới được xả thải lô nước đó. Mỗi lô nước phải được kiểm tra riêng biệt, có như thể mới bảo đảm được không sai sót trong quy trình xử lý nước thải.
Xin đơn cử nhà máy luyện kim đang hoạt động tại ngoại ô thành phố Seattle bang Washington. Nước thải từ nhà máy luyện thép, sau khi được xử lý loại bỏ kim loại và hóa chất độc hại, nước thải vẫn không thể thải trực tiếp ra biển, ra sông mà sẽ thải vào hệ thống cống thành phố để được gom lại xử lý thêm một lần nữa trước khi ra biển. Chính quyền đã thuê các chuyên gia môi trường giám sát nhà máy gắt gao, kiểm tra định kỳ, thiết lập hồ sơ các thông số môi trường nhằm phân tích các biến động trong quá khứ lẫn hiện tại.
Luồng nước ngầm: Công ty luyện gan thép xử dụng khá lớn nguyên liệu thô. Trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu và hóa chất để luyện nguyên liệu thành gan thép sẽ làm rơi rớt, lan tràn những chất độc hại, đó là chưa kể nhà máy thường tẩy rửa các thiết bị. Những chất độc hại này sẽ tích tụ, thấm vào lòng đất do mưa và nước tẩy rửa lan tràn trên mặt đất. Chất độc sẽ phát tán vào mạch nước ngầm, lan đi khắp nơi, tác động nghiêm trọng đến cư dân trên diện rộng khi xử dụng nước giếng hoặc nước sông. 
Để giải quyết vấn đề này, lực lượng thanh tra môi trường phải thường xuyên lấy mẩu đất, nước ngầm tại nhà máy và khu vực chung quanh để thử nghiệm.
Lời trần tình: Ngày nay rất nhiều nhà máy chế tạo kim loại tại các nước phát triển như Âu Châu và Hoa Kỳ đóng cửa do giá thành quá cao vì phải tuân thủ quy trình xử lý chất thải, không cạnh tranh nổi với một số nhà máy tại châu Á, Phi vì ham lợi nhuận, coi thường sức khỏe con người đã bỏ qua quy trình xử lý chất thải. Các nước phát triển thấy rõ được sự bất lợi trong cạnh tranh ngành thép, nhưng kiên quyết không coi thường việc xử lý chất thải. Đối với các nước này, khi ô nhiễm đã xảy ra thì chi phí tẩy rửa vùng ô nhiễm và khôi phục sức khỏe cho con người là con số khổng lồ, khó lòng kham nổi. Kinh nghiệm của các sự cố dù đã hơn trăm năm vẫn còn tác động đến ngày nay, đã giúp họ thấy việc kiểm soát và xử lý chất thải là điều vô cùng cần thiết.
Câu nói của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoai Formosa: “Hoặc là chọn nhà máy thép hiện đại, hoặc là chọn con cua con cá” là câu nói của một nhà máy cách đây 100 năm khi các trang thiết bị xử lý chất thải chưa được chế tạo. Trong khi ấy các nhà máy luyện thép tại Hoa Kỳ và Châu Âu: con cá, con cua cùng sống vì chất thải đã được hoàn toàn xử lý. 
Các nhà máy này đã chọn môi trường sống trên hết, nếu không kham nổi chi phí sẽ đóng cửa. Bởi sức khỏe con người và môi trường sống của muôn loài là vô giá, không thể nào đánh đổi được. 
Huyền Lam 

Chia sẻ:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét