BÀI VĂN “0 ĐIỂM” CHẤN ĐỘNG TRUNG QUỐC
* NGUYỄN THÁI NGUYÊN
* Công bằng ở đâu?
Bài văn không thấy tên tác giả mà chỉ
có tên người dịch là Tiểu Thiện, đăng trên Đa Chiều. Tuy xuất xứ từ Tứ Xuyên,
nhưng đã lan tràn trên mạng xã hội ở Trung Quốc đại lục và cộng đồng người Hoa ở
nước ngoài. Tuy bài văn bị điểm 0 nhưng lại là bài văn được cư dân mạng đánh
giá đặc biệt xuất sắc. Mời đọc để hiểu thêm nhân tình thế thái của cái “CNXH
mang đặc sắc Trung Quốc”.
“Khi nhìn thấy đề bài, tôi đột nhiên
cười phá lên. Vâng, đúng vậy, tôi muốn bật cười, như thể tôi có thể nhìn thấy
khuôn mặt dữ tợn xám xịt của vị Giám khảo khi nhìn thấy bài thi này.
Báo chí nước nhà cho biết giá bất động
sản ở Trung Quốc đã tăng 20 lần trong thập niên vừa qua. Khi mà tất cả các
thanh niên có hoài bão không thể ngóc đầu lên được vì bị giá nhà đè bẹp. Vậy
công bằng ở đâu?
Mức lương tháng của những người bình
thường chỉ đủ để mua nửa mét vuông nhà mỗi tháng trong khi bất cứ chiếc đồng hồ
nào của “Đại ca Đồng hồ” (Chỉ quan chức Dương Đạt Tài đeo đồng hồ hàng hiệu khi
đi kiểm tra hiện trường một vụ tai nạn - Chú thích của người dịch) cũng trị giá
hàng mấy chục ngàn tệ, và “Đại ca Đồng hồ” thậm chí còn tuyên bố rằng mình sở hữu
hàng chục đồng hồ như thế.
“Đại ca Đồng hồ” còn nói rằng ông ấy
có rất nhiều căn hộ ở Bắc Kinh. Vậy nên mắt tôi gần như bật ra khỏi tròng khi đọc
đề bài thi này. Thật may là sau đó xuất hiện một “Đại tẩu nhà đất”, người mà bằng
hành động của mình, đã nói với “Đại ca Đồng hồ” rằng: “Ngươi chẳng là cái thá
gì cả. Đồ trẻ ranh”!
Rốt cuộc trên báo chí tràn ngập tin tức
cho biết “Đại tẩu nhà đất” có hàng chục căn hộ ở Bắc Kinh, cộng thêm 4 cuốn sổ
đăng ký nhà. Những cuốn sổ đó là thật và bà ấy có 4 số Chứng minh nhân dân khác
nhau.
Lần này tròng mắt tôi mới thật sự rơi
ra, mò mẫm cả nửa ngày mới khảm lại được. Vậy mà các bộ ngành liên quan im lặng,
không lên tiếng, không có ai phải gánh chịu trách nhiệm và cũng không có một ai
bị dính líu trong chuyện này. Đột nhiên tôi đã thấy được “sự công bằng”!
Khi “phú nhị đại ca” (chỉ “thế hệ giàu
có thứ hai” ở TQ bao gồm con cái các ông chủ tập đoàn lớn hay các quan chức nhà
nước - người dịch) chạy những chiếc xe đua hạng sang cầm theo những bó hoa tán
gái ở công viên, khi tiếng xe đua vang ầm lên và những làn khói từ trong bô xe
tạt mạnh vào mặt tôi, tôi đang nghĩ tại sao bố tôi lại không phải là Lý Cương
nhỉ? Loại tư tưởng tiêu cực này mặc sức tràn ra khiến tôi uể oải nhụt chí.
Nhưng chính ngay lúc này, sự tích người
bạn học Quách Mỹ Mỹ lại kịp thời nhắc nhở tôi, khi mà bố ruột không thể dựa dẫm
được nữa thì còn có một loại người gọi là “bố nuôi”. Nhưng đáng tiếc, những ông
bố nuôi ấy chỉ thu nhận con gái nuôi chứ không nhận con trai nuôi.
Khi Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc nói mập
mờ về những khoản chi cho việc chăm sóc những người tàn tật; Khi Quách Mỹ Mỹ
khoe khoang những món đồ xa xỉ trên thân, khi có người chất vấn Quách Mỹ Mỹ, cô
nói rằng cô còn có những món đồ xa xỉ hơn thế nữa.
Thế là Hội Chữ thập đỏ vội vàng bày tỏ
thái độ: “Chẳng ai từng nói như vậy cả”. Còn người bạn Quách Mỹ Mỹ đã dùng hành
động thực tế để bảo vệ lợi ích của chính mình, phô bày phẩm chất cao quý của một
thế hệ thanh niên mới. Cô ấy đã dùng đôi chân trắng muốt của mình một lần, rồi
một lần nữa đứng trên bục nhận thưởng “Chí cao vô thượng” của Hội Chữ thập đỏ.
Công bằng ư? Tôi vẫn mãi khao khát một
cuộc đời “công bằng”, nơi mọi người đều bình đẳng, nơi pháp luật là tối thượng,
nơi nhân viên quản lý đô thị không đánh đập dân thường, nơi Hiệu trưởng không
vào khách sạn với nữa sinh, nơi bác sĩ chỉ tập trung chữa bệnh cho bệnh nhân.
Nhưng tôi sinh ra trong xã hội này,
hít thở không khí ô nhiễm cao độ, ăn những loại thực phẩm có thể giết chết tôi
bất cứ lúc nào. Nhìn vị Giám độc Công ty thuốc lá quốc doanh thu về cho mình bạc
triệu, tôi đã thử hỏi rằng, bạn có thấy công bằng hay không?
Liệu bạn có tin rằng “Giấc mộng Trung
Hoa”sẽ trở thành hiện thực? Không kể bạn có tin hay không, dù sao đi nữa thì
tôi tin rồi. Khi hơn mười ngàn con lợn chết bị vứt xuống sông Hoàng Phố, tôi nhận
ra rằng nếu tôi không tin vào “sự công bằng” này thì rồi tôi cũng có kết cực
như mấy con lợn ấy.
Tôi vẫn mong chờ một cuộc đời “công bằng”,
nơi có các quan chức trung thực và làm việc thật sự, nới các doanh nhân kinh
doanh có lương tâm, nơi giá nhà không cao ngất ngưởng đến lố bịch, nơi con người
sống trong hạnh phúc và mãn nguyện…
Còn vài phút nữa thôi là phải nộp bài
này rồi, tôi biết rõ rằng bài viết của tôi sẽ động chạm đến trái tim nhỏ bé của
vị Giám khảo. Em xin gửi đến thấy một đề nghị, thầy cứ cho em điểm 0 vậy.
Em không sợ đâu, sửa bột Sanlu có độc
không giết nổi em thì một điểm 0 nào có hề hấn gì. Xin đừng do dự, hãy ngoạc
bút vào ô điểm rồi Giám khảo có thể đi…đánh Mạt chược…”.
Vài lời của người sưu tầm:
1/ Ở Trung Quốc thì đề thi vào Đại học
do các tỉnh và khu tự trị chịu trách nhiệm và do đó mà đề thi rất khác nhau giữa
các địa phương. Đây là đề thi văn của các thí sinh ở tỉnh Tứ Xuyên: “Sự công bằng
kiểu Trung Quốc”. Chữ “kiểu” (thức) ở đây phải được hiểu nghiêm túc theo logic
tư duy kiểu CNXH mang đặc sắc Trung Quốc. Còn em thí sinh này lại hiểu và diễn
đạt theo cách hoàn toàn khác. Trong số hơn 9 triệu thí sinh vào Đại học ở Trung
Quốc năm rồi, không chỉ có em này bị điểm 0 mà có rất nhiều điểm 0, nhưng đây lại
là một trường hợp rất đặc biệt, gây ra trận bão mạng chưa từng có về chuyện thi
cử.
2/ Khi tôi đọc lần đầu bài viết này, ấn
tượng đối với tôi là một bài viết không phải của tuổi học sinh mà phải là người
từng trải, có hiểu biết sâu về văn chương cổ (lối hành văn của Trang tử trong
Hoa Nam kinh) và thực trạng xã hội hiện đại bởi lối viết liên thông nhiều ẩn dụ,
nhiều nickname như bịa ra mà có thật. Chính vì vậy, tôi đã cất công tìm hiểu
thêm về những gì tác giả đã viết và quả thật, tôi đã nhầm. Không ai khác, đây
là bài thi của một học sinh mới tốt nghiệp lớp 12 phổ thông và do đó tôi có thể
khẳng định đây là một tài năng đích thực dù được điểm 0.
3/ Trong bài viết có 3 nhân vật cần
nói rõ thêm
Quách Mỹ Mỹ mà tác giả gọi là “bạn”
nhưng không phải bạn đâu. Đây là cô ca sĩ xinh đẹp sinh năm 1991, quê ở tỉnh Hồ
Nam chứ không phải ở Tứ Xuyên, vừa làm người tình, vừa làm “con nuôi” của rất
nhiều các quan tham ở Trung Quốc.
Chuyện xẩy ra năm 2014, cô này sang
Ma Cao ăn chơi đánh bạc bị thua đến 260 triệu tệ (tương đương khoảng 900 tỷ đồng
Việt Nam
hiện nay) nên bị các con bạc giữ lại Ma Cao không cho về. Sau đó nhờ “bố nuôi”
trả giúp một nửa số nợ đó mới được thả cho về. “Bố nuôi” ấy chính là Vương Quân
nguyên là Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Sau đó, cô này bị bắt và bị
kết án 5 năm tù giam về tội đánh bạc.
Chuyện “con nuôi” loạn khắp Trung Quốc
và tại tỉnh Tứ Xuyên cũng vậy. Khôi hài đến mức ngày 25/7/2015, Ủy ban Kiểm tra
kỷ luật huyện ủy Thanh Thần của tỉnh Tứ Xuyên đã làm một buổi lễ độc nhất vô nhị:
“Lễ tuyên thệ không nhận con nuôi” cho hơn 300 cán bộ từ trưởng phòng ban trở
lên của huyện này. Chưa thấy làm lễ tuyên thệ chứ chuyện “con gái nuôi” ở ta
cũng nổi tiếng không kém.
Đại gia Đồng hồ là Dương Đạt Tài, cựu
giám đốc cơ quan an toàn lao động tỉnh Thiểm Tây đã bị xử 14 năm tù về tội tham
nhũng. Ông này “nghiện” mua sắm đồng hồ đến mức khi còn làm việc, thường đeo 2
đồng hồ ở 2 tay, khi bị bắt, bộ sưu tập đồng hồ đắt tiền đã lên tới gần triệu
đôla.
Đại tẩu nhà đất là bà Hồng Ái Ái
(Gong Aiai), nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại nông thôn Shenmu của
thành phố Cát Lâm. Bà này đã bỏ ra 48.000 đôla để mua hộ khẩu Bắc Kinh cho bản
thân mình và con gái. Theo quy định, phải có hộ khẩu BK mới được mua nhà ở BK.
Nhờ đó bà ta sở hữu 44 căn hộ ở Bắc Kinh với giá trị khoảng gần 400 triệu tệ!
(Cũng ngót nghét 2000 tỷ đồng VN). Dù thế, nhưng bà này chỉ bị xử 3 năm tù giam
về tội mua bán và sử dụng giấy tờ giả vì cơ quan điều tra không phát hiện được
bà này tham ô tham nhũng v.v..
NTN (Tác giả gửi BVB)